“Nghe nói nhân duyên do trời định” không đặc sắc bởi chất ngôn tình của nó mà truyện chạm đến lòng người bởi những giá trị nhân văn mà nó mang lại. Tình yêu của các bậc sinh thành đối với con cái quả thật vô bờ, là loại tình cảm thiêng liêng nhất trên đời.
Nam chính Tần Tống – con trai độc nhất của Tần gia, đứa cháu ngoại duy nhất của Lương thị, sinh ra đã ngậm muỗng vàng, lớn lên thì càng ngang tàng hống hách, không coi ai ra gì. Tính tình thì quá sức trẻ con nếu không nói là ấu trĩ, làm việc thì bộp chộp, Lục thiếu của Lương gia đã ba mươi tuổi nhưng rõ ràng vẫn chưa trưởng thành nổi.
Nữ chính Hàn Đình Đình thì nhu nhược yếu đuối, yêu thầm người anh thanh mai trúc mã đã có một đứa con. Tình cảm đã hơn mười mấy năm của cô cứ tích tụ dần dần, ngày một lớn hơn, cô ao ước được ở bên người ấy, được trở thành mẹ của con anh, cho dù có là mẹ kế, cho dù có bị người đời chê cười. Thế nhưng cô lại quá yếu đuối, cô không đành lòng thấy cha mẹ đau khổ, cô theo cha mẹ chuyển nhà, rồi sau đó lấy Tần Tống với lời ước định sẽ ly hôn sau một năm. Đình Đình nghĩ một năm sau cô sẽ là người phụ nữ đã ly hôn, cô sẽ bất chấp ở bên người ấy dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.
Nói thật là sau khi được nghe kể về nam nữ chính, hai anh chị đã bị mình liệt vào không-còn-gì-để-nói, những tưởng câu chuyện sẽ đi theo hướng cẩu huyết ngược anh ngược em hay hài hước một cách lãng xẹt, nhưng không ngờ, rốt cuộc mình lại bị mấy cái “hài hước lãng xẹt” đó níu chân cho đến cuối truyện. Sói Xám Mọc Cánh quả nhiên vẫn xuất sắc như thế.
Tần Tống và Hàn Đình Đình, hai con người hai số phận, những tưởng chẳng thể liên quan gì đến nhau không ngờ lại có một ngày trở thành những-người-bạn-cùng-nhà! Tần Lục Thiếu tính tình nóng nảy, lại rất trẻ con, lâu lâu lại nóng giận vô cớ, còn Hàn Đình Đình thì lúc nào cũng mềm mỏng, nói chuyện nhẹ nhàng, bởi cô là “kỹ sư tâm hồn” của bọn trẻ mà. Sống chung lâu ngày, Tần Tống bỗng dưng nhận ra cô vợ “bánh bao nhỏ quê mùa” cũng đáng yêu phải biết, lúc nào cũng dịu dàng, lại có vẻ rất sợ anh. Rồi cuối cùng cho dù hết sức kiềm chế, cảnh tỉnh bản thân, anh chàng đã bị cô gái mà mình suốt ngày gọi nghêu ngao “bánh bao nhỏ quê mùa” cướp mất tim rồi.
Trước đây rõ ràng là Tần lục thiếu anh không hề thích dạng con gái như thế này, nhưng không hiểu vì sao càng nhìn bánh bao nhỏ quê mùa anh càng thấy vừa mắt. Tần đại gia vỗ tay cái bốp, rõ ràng là nhân duyên do trời định rồi! Và thế là anh chàng quyết định theo đuổi cô vợ nhỏ, quá trình cũng nếm trải không biết bao nhiêu đau thương. Tự chuyện cô vợ nhỏ ngốc nghếch hiểu lầm anh đơn phương người khác cho đến nam phụ đáng ghét kia xuất hiện, rõ ràng anh đường đường là lục thiếu Lương gia, thế mà phải đi ghen với một con gấu bông cũ rích, rồi còn bị 5 tên khốn kiếp kia chê cười, quá thảm, quá thảm rồi!!!
Cuối cùng, sau không biết bao nhiêu lần nội thương và bị người ta cười nhạo, Tần Tống cũng lừa được bánh bao nhỏ quê mùa đến tay. Thế nhưng cách yêu của anh chàng này hãy vẫn còn trẻ con lắm, vẫn giận hờn, rồi oán trách, ghen tuông như thời “trẻ trâu”. Những tưởng, đại thiếu gia nhà họ Tần sẽ vẫn lông bông, bồng bột như thế này mãi thì Sói Xám Mọc Cánh lại rẽ câu chuyện sang một hướng khác, biến cố ập đến buộc anh chàng phải nhanh chóng trưởng thành: bệnh tình của Tần Uẩn ngày càng nghiêm trọng hơn, gia tộc họ Tần cùng những người liên quan lục đục kéo đến đòi giải quyết tình hình công ty Tần thị.
Tần Tống đối với cha mình vừa kính trọng nhưng lại vừa oán trách. Thời trẻ con, anh luôn oán cha mình dạy dỗ quá nghiêm khắc, không hề có tình thương, khi lớn lên thì ông lại luôn mắng anh ngỗ nghịch, đến khi anh tranh chấp tình yêu với anh em họ, ông lại thiên vị người khác chứ không phải là con trai mình. Nhưng rõ ràng là Tần Tống đã sai hoàn toàn rồi.
Tần Uẩn, mình rất muốn nói nhiều về nhân vật này. Ông là điển hình của một người cha nghiêm khắc, tuy rất yêu thương con nhưng lại dạy dỗ con trai theo cách của một người đàn ông. Không ai biết ngày xưa lúc Tần Tống còn đỏ hỏn, ông chính là người vừa chăm lo cho cô vợ yếu đuối, vừa gánh vác gia tộc, đêm đêm lại còn bế con trai trên tay mà dỗ dành khi con khóc quấy. Từng bước trưởng thành của con trai ông đều dõi theo, con trai không biết phải trái, ông đau lòng, con trai bị thương tổn, ông cũng đau lòng. Con người mang trọng bệnh ấy trong những ngày cuối đời vẫn canh cánh một mối lo chính là con trai, con trai khi nào mới có thể trưởng thành? Bố đã sắp đi xa rồi, đã không còn có thể che trời cho con, đã không còn có thể giúp con gánh vác gia tộc khi con còn chưa sẵn sàng…
Trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình, ông lặng lẽ đồng hành cùng con trai trải qua quá trình giày vò của sự trưởng thành và thoát xác.
Những ngày cuối đời, âu cũng là thỏa nguyện cho ông khi con trai ông đã hoàn toàn trưởng thành, đã có thể hoàn toàn đứng vững trên đôi chân của mình, bờ vai con trai đã đủ rộng để cho người mẹ yếu ớt dựa vào khi không có ông. Mình cứ nhớ mãi hình ảnh Tần Uẩn hấp hối trên giường bệnh, nắm tay cháu nội vừa đầy tháng mãi không buông với sự tiếc nuối vô bờ…
Bệnh tình của bố ngày càng nguy kịch, Tần Tống có không muốn cũng phải trưởng thành, anh bình tĩnh thu vén mọi chuyện của gia tộc, an ủi người mẹ yếu ớt, chăm sóc người vợ mang trong mình giọt máu của anh. Từ khi có con, Tần Tống dần dần hiểu cảm giác của bố, làm gì có người bố nào không yêu thương con, chỉ là do đứa con ấy không nhận ra mà thôi….
Thì ra đó chính là loại cảm giác này, một sinh mệnh hoàn toàn mới, được thai nghén bằng tình yêu chân thành của anh, tuy rằng bây giờ ngay cả mặt mũi thế nào cũng còn chưa biết, nhưng anh đã yêu thương nó cực kỳ sâu đậm, một tình yêu khắc cốt ghi tâm. Thì ra trong suốt ba mươi năm qua, Tần Uẩn luôn dành cho anh một tình yêu như thế…
Con người đã sinh ra thì rồi cùng phải ra đi, Tần Tống biết rõ điều đó, nhưng anh chỉ vừa nhận ra tình yêu thương của bố, anh chỉ vừa chín chắn hơn một chút thì điểm tựa lớn nhất của cuộc đời anh đã ra đi. Trong những giây phút cuối cùng, anh cứ mãi lưu luyến hình ảnh đó của bố, anh hứa với ông, từ nay anh sẽ thay ông là trụ cột của cả gia đình này…
Tần Tống trưởng thành, Hàn Đình Đình cũng ngày một chín chắn hơn. Bây giờ thì cô đã hiểu tình yêu của bố dành cho mình, thứ tình cảm mà trước nay cô vẫn thường nghi hoặc. Bố cô cũng như bố Tần Tống, tình yêu vô bờ đối với con gái cũng chỉ lén giấu trong lòng. Trong kí ức của cô, bố rất nghiêm khắc, lại luôn bận rộn công việc, đôi lúc cô còn vì công việc của bố mà bị thương, nhưng Hàn Đình Đình lại không biết đã biết bao nhiêu lần bô cô đau lòng vì con gái, tự trách bản thân mình. Trở thành người làm cha làm mẹ mới hiểu nổi lòng của các bậc sinh thành, đứa con là kết tinh tình yêu của bố mẹ, cũng như bố mẹ Tần Tống, cũng như bố mẹ cô, cô và Tần Tống sẽ nuôi dưỡng con trưởng thành bằng tình yêu vô bờ như thế!