Đọc truyện: Không thể chạm vào em chương II.2 – Sợ hãi






“Không thể chạm vào em” với Miên Tú và Trần Kha tiếp tục được diễn ra với mối tình nhiều bất ngờ và không thể lường trước trong chương II….

 

Chiếc xe hơi màu đen lướt tới, rồi dừng hẳn ở trước cửa nhà hàng. Miên Tú tháo khóa dây an toàn, toan mở cửa xe, nhưng Trần Kha cản lại, chỉ bằng một cái lắc đầu rất khẽ và nụ cười không thể ngọt ngào hơn. Ôi đôi khi, sự ngọt ngào lại có một quyền lực mạnh đến mức, con người ta rồi sẽ mềm nhũn đi, không còn khả năng chống cự, hoặc giả là chẳng có chút ham muốn chống cự nào! Trần Kha mở cửa, bước xuống, rảo bước dài hơn, nhanh hơn về phía Miên Tú đang ngồi, mở cửa xe cho Miên Tú, rồi vòng trở về phía vị trí ngồi của tài xế.

Miên Tú xuống xe, bước về phía trước, nơi có hai nhân viên lễ tân đang đứng trước cửa đón khách, chờ Trần Kha. Nhưng dường như Trần Kha không có ý định vào cùng cô. Miên Tú thắc mắc.

– Kha không vô với em hả?

– Không em! Có Kha, hai người không thoải mái thì sao?!

Trần Kha nở nụ cười hiền lành như mọi khi, chiếc răng khểnh lộ ra, tôn thêm sự dịu dàng trong câu nói vừa nãy. Không để Miên Tú thắc mắc thêm, Trần Kha tiếp.

– Lần sau, Kha sẽ đi cùng em! Hen!

*

Miên Tú rảo bước trên con đường vắng. Gió hiu hiu thổi, nhẹ nhàng nhưng đủ làm những chiếc lá trên cành đung đưa, đan vào nhau xào xạc như giành giật cho mình một vị trí đẹp để được ôm trọn cơn gió kia. Tán cây đổ dài, rợp mát cả con đường từ nhà Miên Tú đến cửa hàng. Mái tóc đen, dài của Miên Tú nương nhẹ theo cơn gió khẽ lùa qua. Mái tóc chưa lần nào buộc lên từ khi mẹ qua đời.

Có lẽ, Miên Tú không được may mắn như những bạn nhỏ cùng trang lứa, không được yêu thương, nâng niu, xúng xính quần áo, tóc tai đến trường. Mái tóc cứ xõa đều rồi dài theo năm tháng, thỉnh thoảng được tỉa gọn để không che phủ đôi mắt và trông có vẻ gọn gàng, tinh tươm hơn. Lớn lên, mái tóc ấy đã được Miên Tú chăm sóc kỹ lưỡng hơn, rồi thói quen xõa tóc cũng được hình thành từ đó.

“Lần sau, Kha sẽ đi cùng em! Hen!”

Dường như câu nói của Trần Kha cứ văng vẳng bên ta. “Hen!” – cảm thán từ mà Miên Tú chưa từng nghĩ sẽ được nói ra từ miệng của Trần Kha – người dù chỉ gặp một lần, Miên Tú cũng cảm giác được năng lượng nghiêm túc lan tỏa vô cùng mạnh mẽ! Bất giác, Miên Tú cười nụ cười ngọt ngào như của những kẻ si tình khi đang yêu mỗi lúc nghĩ về những điều vô lý – những điều với người ngoài là điên rồ còn với người trong cuộc là một sự đáng yêu, dễ thương, ngọt ngào nhất trên đời.

Rồi Miên Tú hơi khựng lại, tự hỏi, sao mình lại nghĩ nhiều về Trần Kha như thế?! Cảm giác hồi hộp, mỗi lần đối diện với Trần Kha là thế nào? Cảm giác khá đặc biệt – nhưng có vẻ quen, giống như ngày xưa, khi còn ở trường trung học, Miên Tú thường bối rối mỗi lần gặp một cô bạn lạnh lùng với mái tóc dài, mượt, nhưng luôn búi cao, rồi giấu hẳn búi tóc ấy vào trong chiếc mũ lưỡi trai. Để đôi lần, tim Miên Tú như muốn ngừng đập khi chạm phải ánh mắt ngạc nhiên của cô bạn kia lúc bắt gặp Miên Tú đang say sưa nhìn.

Miên Tú thầm nghĩ, không biết, “lần sau” mà Trần Kha nói, là khi nào? Mà, chỉ Miên Tú và Trần Kha, hay có cả Tử Du? Rồi, bất chợt, Miên Tú cảm thấy dường như bản thân có phần kỳ cục khi không mong muốn sự hiện diện của Tử Du trong cái “lần sau” ấy. Tình cảm mà, chỉ cần hơn hai đã là quá đông, quá chật chội! Tình cảm ư? Trời ạ, mình đang nghĩ gì vậy? Miên Tú lắc đầu, xua tan ý nghĩ kỳ cục hốt nhiên xuất hiện trong đầu mình. Miên Tú cố trấn tĩnh mình bằng việc dừng hẳn lại, hít một hơi thật sâu rồi dợm bước tiếp.

Những xúc cảm ban nãy về Trần Kha bị dập tắt ngay lập tức khi Miên Tú thoáng thấy một toán hơn chục thanh niên vận quần áo đen, đổ ào từ chiếc xe mười sáu chỗ xuống, rồi tiến thẳng vào hẻm – nơi có tấm bảng hiệu quen thuộc “Tiệm cà phê Mèo”, nơi hằng ngày Miên Tú vẫn rẽ vào để đến cửa hàng.

Miên Tú thụt hẳn người vào trong, tựa sát lưng vào vách tường đang loang lổ, màu sắc phai đi vì năm tháng, vì nắng mưa. Không nghĩ ngợi nhiều, Miên Tú quay hẳn người về phía ngược lại, guồng chân chạy thật nhanh, tuyệt không quay đầu lại! Lúc này, trong đầu Miên Tú không còn Trần Kha, không còn Tử Du, cũng không còn gì cả, chỉ còn một suy nghĩ duy nhất, phải thoát khỏi bọn người kia – dẫu là theo lệnh của ai đi nữa, thì mục đích duy nhất chỉ là mang Miên Tú trở về! Miên Tú không muốn quay về! Nhất định không quay về!

*

Cả Bá Lâm và Hoàng Phong cùng đưa mắt nhìn về chiếc điện thoại đang đổ chuông, rung đều nhịp và đang dần xê dịch khỏi vị trí sau mỗi vòng rung của nó.

– Ông ta phải không?! – Bá Lâm hỏi.

Hoàng Phong nhếch môi cười – nụ cười kiêu ngạo của một kẻ bề trên dành cho những sự việc đã xảy ra đúng như được tiên đoán. Hoàng Phong gật. Hoàng Phong chưa từng suy từ mình ra để rồi phải cảm thấy chán ghét ai. Bởi, cuộc sống của Hoàng Phong vốn không có gì phải đòi hỏi hơn nữa – tiền tài, danh vọng, phụ nữ…, tất cả mọi thứ, anh đều hơn người khác ít nhất một bậc. Thế nên, việc bị người khác xem thường, Hoàng Phong không bao giờ chấp nhận; và người dám làm điều này thì chắc chắn không đơn giản sẽ chỉ bị anh chán ghét.

Miên Tú đã phạm sai lầm lớn khi đẩy Hoàng Phong vào tình thế tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại trở thành trò lố bịch của giới thượng lưu. Một đại thiếu gia, thân là người thừa kế tập đoàn Hoàng Đình – tập đoàn lớn nhất, nhì nước hiện tại, lại bị một người phụ nữ làm bỉ mặt. Không gì có thể bù đắp lại thể diện của Hoàng Phong, của gia đình, dẫu rằng việc Miên Tú bỏ đi đã được giấu nhẹm, nhưng có thể giấu nổi bao lâu? “Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” – Hoàng Phong sẽ phải đối diện với dư luận như thế nào? Báo chí, truyền thông luôn săn lùng, rình rập những gia đình bề thế để giật ngay được một bài báo ăn khách – rồi tin tức ấy sẽ ảnh hưởng lớn đến cổ phiếu, đến giá trị, danh dự của cả tập đoàn, một hệ lụy liên hoàn mà không ai có thể lường trước được.

Việc cấp thiết lúc này, là phải tìm cho được Miên Tú trước khi mọi chuyện vỡ lở ra. Một tiêu đề ăn khách theo kiểu: “Con dâu tập đoàn Hoàng Đình mất tích sau hai tháng kết hôn”, hay ghê gớm hơn, ác ý hơn, kiểu: “Đại thiếu gia tập đoàn Hoàng Đình hành hạ vợ đến mức bỏ trốn”… sẽ thu hút bao nhiêu triệu lượt người xem, chưa kể sự việc sẽ được đồn thổi đến mức nào nữa thì Hoàng Phong vẫn không dám hình dung.

Không nhờ Hoàng Phong, không nhờ những hợp đồng béo bở mà Hoàng Đình bố thí cho gia đình Miên Tú thì lúc này, chắc cái công ty nhỏ bé như Đỉnh Phong đã biến mất trên thương trường rồi. Hoàng Phong sẽ đòi lại món nợ này, cả vốn lẫn lời. Phàm là loài sống ký sinh thì nên biết thân biết phận; đã nương tựa rồi lại trở mặt vô ơn thì mong sao được một sự tha thứ? Vốn lòng bao dung cũng có cái giá riêng mà!

*

Trần Kha thừ người trước tệp tài liệu đang xem dở trên bàn. Tiếng vặn tay nắm cửa khẽ vang lên, Trần Kha ngước nhìn, cau mày. Nhã Nhu hơi khựng lại.

– Em gõ cửa nãy giờ, không thấy chị trả lời, nên…

Trần Kha giãn hẳn đôi mày rậm vừa cau lại vì cảm thấy có ai đó đang phá vỡ nguyên tắc của mình. Thay vào sự bực dọc thoáng qua khi nãy là sự hoang mang thật sự. Sao lại có chuyện ai đó gõ cửa mà Trần Kha không nghe? Trước giờ, Trần Kha luôn cẩn trọng trong mọi việc, chưa khi nào ngồi trên chiếc ghế này, trong văn phòng này mà lại mất tập trung như vậy. Không kéo dài thêm giây phút lơ đễnh nào nữa, Trần Kha hỏi.

– Có chuyện gì vậy, em?

– Dạ! Hồ sơ của Lâu Thị… có vấn đề gì không ạ? Để em gửi qua đó, họ đang hối! – Nhã Nhu vừa hỏi, vừa nhìn về hướng tệp hồ sơ Trần Kha đang xem dở.

Trần Kha giật mình, nhìn lại tập hồ sơ.

– Chị xem kỹ lại giúp em, cần chỉnh sửa điểm nào, em sẽ sửa lại! – Nhã Nhu hiểu ý, không muốn làm Trần Kha khó xử, nói vội rồi trở ra ngoài.

Trần Kha lắc lắc đầu, cố xua đi những suy nghĩ vẩn vơ nãy giờ đã làm mình phân tâm. Miên Tú – cô gái có chút gì đó bí ẩn, tuy đơn thuần nhưng rõ ràng là rất đặc biệt. Nhớ hôm Tử Du điện thoại kể về một cô gái lạ, xinh đẹp xuất hiện ở tiệm cà phê của nó vài lần; chỉ là một đoạn kể thôi đã đủ khiến Trần Kha tò mò, rất có thể vì Tử Du đã lộ hết sự hào hứng trong câu chuyện của mình. Cũng đúng thôi, con gái đẹp là một loại động vật mà Tử Du không bao giờ có thể rời mắt khỏi, nên việc nó cứ thao thao bất tuyệt kể về cô ta cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều, cái mà Tử Du kể, không phải là về thân hình bốc lửa, hay những cử chỉ, hành động khêu gợi, chọc ghẹo nó như mọi khi. Mà, lại là về một cô gái có vẻ hiền lành, tử tế, đơn thuần đến mức ngây thơ và mang trong mình nhiều ưu tư, phiền muộn – những thứ có vẻ quá xa xỉ so với số tuổi hai mươi bốn của mình. Tử Du còn làm cho Trần Kha cảm thấy tò mò hơn nữa khi kể về tính cách có phần khác lạ của cô gái kia. Khi thì phản ứng như đứa trẻ, lúc thì cảm giác cô ấy mang trong mình những lo âu còn hơn cả một người non ba mươi như Tử Du.

Chính cái suy nghĩ nghiêm túc đó của Tử Du làm Trần Kha tò mò. Bởi, trước giờ, Tử Du tuy không phải kiểu phụ nữ hời hợt, dễ dãi, nhưng ít khi nhận xét về một cô gái mà không đi kèm một câu cợt nhả về chuyện chăn gối. Nghĩa là, Tử Du nghiêm túc quan tâm đến một cô gái “thẳng” – thẳng theo nghĩa cô ấy sẽ không quan tâm đến Tử Du như cách mà cả Trần Kha và Tử Du quan tâm những cô gái xung quanh mình.

Không thể chạm vào em II.2

*

Miên Tú ngồi hẳn vào ghế sau của chiếc taxi màu đỏ, đóng sầm cửa lại, ghì chặt chiếc túi màu đen vào lòng, run bần bật.

– Cô muốn đi đâu?! – Người tài xế luống tuổi nhìn lên chiếc gương chiếu hậu treo nghiêng một góc phía trên, bên phải tay lái, hỏi câu quen thuộc của mình.

– Càng xa càng tốt! – Miên Tú lí nhí.

Bác tài gật, rồi đạp ga, xe lăn bánh. Có vẻ quen với kiểu khách này, ông tuyệt nhiên không hỏi. Lái taxi là một trong những nghề nghiệp đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, họ có thể biết được nhiều chuyện, của nhiều người. Mỗi ngày, họ chở không biết bao nhiêu lượt khách, kiểu người nào cũng có, người thành đạt, kẻ lưu manh, người bỏ chồng, kẻ bỏ vợ… đoạn đường dù ngắn, hay dài cũng đủ để nghe hoặc buộc phải nghe những câu chuyện vô thưởng, vô phạt, rồi nhờ đó, mà kiếm được vài đồng lẻ về cho vợ con. Lâu dần ông hiểu ra, việc của mình chỉ là đưa người cần đi đến nơi họ cần đến. Và khi đã có địa điểm – hay ít ra là một khoảng cách, ông sẽ làm đúng công việc của mình, đưa khách đến nơi họ cần phải đến.

Điện thoại Miên Tú đổ chuông. Thừa biết ai gọi, nhưng Miên Tú không nghe máy, hay đúng hơn là không dám nghe. Miên Tú để mặc cho chiếc điện thoại vừa đổ chuông – tiếng chuông mỗi lúc một lớn, như kêu gào,

như hờn trách, vừa run bần bật như đôi tay Miên Tú ôm chặt chiếc túi bên mình khi nãy.

“Ting”! – Âm báo tin nhắn từ chiếc điện thoại Nhã Đồng mua tặng. Mà, trong danh bạ, chỉ vỏn vẹn mỗi số điện thoại của Nhã Đồng.

Miên Tú vội vã lôi chiếc điện thoại ra khỏi túi quần.

“Em đang ở đâu?! Có an toàn không?” – Nhã Đồng nhắn, những dòng rất ngắn, nhưng dài nỗi lo.

“Em xin lỗi! Cảm ơn chị đã cưu mang em thời gian qua!”

Miên Tú soạn tin nhắn. Nước mắt lăn dài. Miên Tú khóc, không phải bởi sợ hãi, cũng không phải lo âu. Miên Tú khóc bởi đến một lời cảm ơn tử tế, Miên Tú cũng không thể nói với Nhã Đồng, để rồi phải lặng lẽ ra đi mà không biết bao giờ mới đáp trả được ân tình của chị.

Dù chuyến đi này đưa Miên Tú đi đến đâu chăng nữa thì cũng sẽ an toàn hơn nơi ở hiện tại. Một khi ai đó đã tìm được đến cửa tiệm của Nhã Đồng thì rõ ràng, việc họ biết nhà Miên Tú ở đâu không còn là điều quá khó khăn. Chỉ mong sao họ đừng làm gì bất lợi cho Nhã Đồng cả, làm ơn đừng, người tốt đâu nhất thiết cứ phải trải qua đủ hết những chuyện vô lý, khổ đau?!

*

Miên Tú nhào vào phòng ngủ, quơ vội mấy bộ quần áo trong tủ, nhồi nhét vào chiếc túi đen. Thời gian của Miên Tú lúc này được tính bằng khắc, chứ không còn bằng giây nữa. Miên Tú phóng ra khỏi nhà, cúi đầu, kéo vội phần lưỡi trai của chiếc mũ sẫm màu xuống, chạy nhanh về phía con đường ngược với con đường hằng ngày Miên Tú vẫn đi qua – con đường dẫn đến cửa hàng của Nhã Đồng, và tiệm cà phê Mèo.

Miên Tú cũng chẳng biết con đường này sẽ dẫn đi đâu, nhưng chắc sẽ xa nơi này, xa những người lạ vừa trở nên quen thuộc, xa cái mơ ước đang dần thành dạng, thành hình.

*

Chiếc taxi từ từ giảm tốc độ, rồi dừng hẳn. Miên Tú mở cửa, bước xuống xe, đặt chân xuống một nơi khá xa lạ. Mà, lạ rồi cũng thành quen! Chỉ là, Miên Tú phải gầy dựng mọi thứ từ đầu. Một ngôi nhà, một công việc, những người quen mới. Rồi Miên Tú cũng sẽ bắt nhịp được với nơi này.

Miên Tú xoay hẳn người về phía con đường ban nãy chiếc taxi vừa đến. Đôi mắt hiện rõ sự tiếc nuối khi mọi thứ tốt đẹp dường như đến, rồi đi quá nhanh, nhanh đến mức Miên Tú chưa dám tin nó là sự thật, chưa dám buông bỏ sự e dè để thật sự nắm được niềm hy vọng – điều mà Miên Tú đã thèm khát quá lâu. Miên Tú đã cảm giác được mình không có duyên với hạnh phúc. Hít một hơi thật sâu rồi thở mạnh. Miên Tú quyết không để bản thân đắm chìm trong sự tiếc nuối này thêm nữa. Miên Tú chấp nhận từ bỏ. Có lẽ, phía sau Miên Tú lúc này, một hy vọng khác vẫn đang chờ đợi.

*

Nhã Đồng bấm nhẹ chiếc nút trên chìa khóa xe, đèn xi nhan của chiếc xe hơi đậu ngay bên cạnh chớp liên tục cùng tiếng bíp như thông báo cho chủ nhân của nó biết chế độ an toàn đã được bật. Nhã Đồng lững thững rẽ vào hẻm, đầu vẫn còn suy nghĩ về bữa tối qua với người bạn mới. Tuy vui

nhưng có vẻ không hợp nhau, đương nhiên không thể lâu dài. Nhã Đồng đủ sang giàu để không cần ai bảo bọc, đủ thông minh để tự tìm cho mình một người đàn ông phù hợp, đủ khôn ngoan để chọn được người tốt nhất trong cơ số những người đàn ông vẫn ngày ngày săn đón cô ngoài kia. Và, tất nhiên, Nhã Đồng sẽ không đi vào vết xe đổ của cuộc hôn nhân cũ.

Có lần, Nhã Đồng hỏi về mẫu người yêu lý tưởng của Miên Tú. Miên Tú ngẩn ngơ vài giây rồi hỏi lại, “Sao phải có mẫu, hả chị?”. Câu hỏi có phần ngây thơ của Miên Tú làm Nhã Đồng bừng tỉnh. Đúng! Tại sao phải có mẫu, nhỉ?! Trong khi, tình yêu là tên gọi một loại cảm xúc, và thường cảm xúc luôn mang tính trừu tượng, kèm theo những định nghĩa cũng rất đỗi trừu tượng; không màu, không mùi, nhưng có vị – cái vị mà khi yêu thì cho dù người đó là ai cũng cảm nhận được đúng một kiểu – ngọt lịm, đương nhiên, cảm giác hạnh phúc có vị ngọt, thì đau khổ sẽ có vị đắng, rồi đi kèm những trạng thái hết sức phi lý khác; khóc, cười, đau, nhói… mà không thể nào kiểm soát được. Vậy, sao có thể chọn được một hình mẫu để bản thân cùng lúc đánh động nhiều cảm xúc như thế?! Nếu có, Thượng đế đã không ban cho con người một thứ thiêng liêng mang tên – trái tim.

Một toán thanh niên đang ồn ào phía trước, ngay trước cửa tiệm của Nhã Đồng. Nhã Đồng bước đến, thay vì bấm mở cánh cửa cuốn tự động như mọi khi, cô bước thẳng, đi ngang qua nhóm người đang nhốn nháo tìm ai đó trong cửa tiệm. Rồi, như không thể chờ đợi thêm, họ kéo nhau đi khỏi. Một người đàn ông – có vẻ lớn tuổi hơn những thanh niên còn lại, và có vẻ là người cầm đầu, quăng lại một câu gọn lỏn.

– Đến nhà, nhanh!

Nhã Đồng mở vội chiếc túi xách trên vai, lấy điện thoại, bấm số gọi.

*

Tuyết Hà bấu chặt chiếc điện thoại đang áp sát bên tai, hạ dần xuống, nhưng trạng thái bóp chặt vẫn không thay đổi, thêm vào đó là sự cáu giận hằn rõ trên khuôn mặt đã khá nhiều nếp nhăn so với những người phụ nữ khác cùng độ tuổi, cùng địa vị.

– Lũ ăn hại!

Tuyết Hà nhìn hình ảnh chính mình trong gương, xuống sắc và tiều tụy. Tuyết Hà rời khỏi chiếc giường – nơi ngày ngày vẫn cô độc thâu đêm, suốt sáng – bước đến bên ban công đang ôm trọn cái hừng hực nắng chiều của hoàng hôn đổ vội.

Bốn mươi lăm – cái tuổi không quá luống, nhưng cũng không còn đủ để nhan sắc vẫn mặn mà như các cô gái trẻ. Tuy có phần ghen tỵ với họ, nhưng Tuyết Hà chưa từng lo lắng Bạch Quân sẽ ra ngoài trăng hoa. Bởi, Tuyết Hà biết, sau mẹ Miên Tú, Tuyết Hà là người phụ nữ thứ hai của Bạch Quân. À, không, Tuyết Hà chỉ là người đứng thứ ba. Vị trí thứ hai, là của Miên Tú. Và cuộc đời ông rồi sẽ chỉ dừng lại ở con số ba này thôi; không hẳn vì khái niệm chung thủy, mà có lẽ chỉ vì trái tim ông đã đóng chặt từ lâu rồi!

Việc muốn đứng ở vị trí đầu tiên trong lòng người mình yêu thương, có gì là sai?! Tuyết Hà thừa hiểu, việc tranh giành với người đã khuất không bao giờ có kết quả. Nhưng còn vị trí thứ hai, đáng lẽ, vị trí đó phải là của Tuyết Hà mà? Cảm xúc luôn cố gắng bày tỏ điều gì đó với Tuyết Hà, tuy không rõ ràng, nhưng với riêng sự ghen tỵ ở đây có thể được hiểu là sự sợ hãi, sợ lại lần nữa bị cướp đi thứ quý giá trong đời.

*

Trần Kha cùng Nhã Nhu bước ra khỏi thang máy, đi thẳng đến quầy lễ tân. Nhã Nhu đến nói chuyện với nhân viên lễ tân, kiểm tra cuộc hẹn.

– Mời hai chị đi lối này! – Nhân viên lễ tân nọ rời khỏi quầy, đi về phía văn phòng, ra hiệu cho Nhã Nhu và Trần Kha theo sau.

Cả ba đi đến một căn phòng ở cuối dãy hành lang. Nhân viên lễ tân mở cửa phòng, mời khách vào. Trần Kha theo sau Nhã Nhu, họ bước vào một phòng họp khá lớn, chính giữa là một chiếc bàn chữ nhật to. Vòng quanh được xếp ngay ngắn gọn gàng khoảng mười chiếc ghế mỗi bên dọc theo chiều dài của bàn, một chiếc ghế chủ tọa đặt chính giữa phần chiều rộng gần cửa ra vào, đối diện với chiếc ti vi khổ lớn sang trọng được bắt cố định trên vách tường.

Trần Kha bước ra ngoài, đi theo tấm biển hướng dẫn các khu vực cho khách tiện việc theo dõi và tìm kiếm. Rẽ qua một khúc quanh, bất chợt, Trần Kha hơi ngập ngừng khi thoáng thấy một cô gái, vóc người cao, mảnh khảnh, đến hơn tám phần trông giống Miên Tú. Trần Kha rảo bước nhanh hơn, dài hơn, đuổi theo cô gái ban nãy, lúc này đã quẹo vào một ngã rẽ khác. Trần Kha bắt kịp cô gái, nắm nhẹ bắp tay, níu lại.

– Miên Tú!

Cô gái xoay hẳn người lại, giật mình vì bất thình lình có ai đó nắm lấy tay mình. Trần Kha giật nảy người vì phản ứng hốt hoảng của cô gái lạ, nhanh chóng buông tay.

– Xin lỗi! Tôi nhận nhầm người!

Cô gái không nói gì, im lặng bỏ đi. Trần Kha thừ người một lát rồi rẽ vào khúc quanh theo hướng ngược lại của cô gái ban nãy.

Hai tháng, Miên Tú không xuất hiện tại tiệm cà phê Mèo. Cả Nhã Đồng cũng không biết Miên Tú đang ở đâu. Trần Kha không thể nào hiểu được tại sao Miên Tú lại biến mất đột ngột như vậy. Hay, Miên Tú về quê? Mà, có chuyện gì gấp đến nỗi không thể chào tạm biệt lấy một câu?! Hay, cô ấy gặp chuyện gì?! Nghĩ đến đây, Trần Kha bắt đầu cảm thấy bất an. Vốn là người điềm tĩnh, Trần Kha luôn lường trước những trường hợp xấu nhất để phòng khi sự việc có diễn biến theo chiều hướng xấu, bản thân cũng không bị bất ngờ đến mức luống cuống, không giải quyết được; mà giờ đây, chỉ mới nghĩ thôi, sao lòng cứ như lửa đốt thế này?

Lúc này, Trần Kha mới ngỡ ngàng, thì ra, không ai biết thông tin gì về Miên Tú, kể cả Tử Du, Nhã Đồng – hai người được xem là thân thiết với Miên Tú suốt mấy tháng qua. Bỗng dưng, Trần Kha nhận ra, trong lòng cô đang tồn tại một nỗi nhớ không thể lý giải được. Nỗi nhớ ấy mang nhiều phần trăm lo lắng, một ít phần trăm quan tâm và một chút ít mong nhớ.

*

Miên Tú lau tấm kính ngay cửa ra vào – nơi mỗi ngày có hàng trăm bàn tay vịn vào, mặc dù chủ cửa hàng đã bảo không cần thiết như vậy, nhưng Miên Tú vẫn cứ muốn làm, vì một lý do đơn giản – không có khách, nên Miên Tú dọn dẹp, cho cửa hàng hoa tươm tất, sạch sẽ hơn. Người chủ nào cũng thích nhân viên siêng năng, chăm chỉ. Người chủ luôn là những người tính toán nhanh và chuẩn nhất. Thay vì phải thuê hẳn một nhân viên chuyên dọn vệ sinh, Miên Tú đã đồng ý làm việc đó mà không cần trả thêm tiền lương hay bất kỳ khoản phụ cấp nào cả. Ai mà không đồng ý

ngay? Dẫu cho việc Miên Tú làm, cốt chỉ để người mệt đừ rồi ngủ li bì đến sáng thay vì trằn trọc cả đêm dài. Chọn lựa này thật ra khiến Miên Tú cảm thấy rất ổn.

*

Tiếng chuông gió treo ở cửa leng keng vang lên mỗi khi có ai đó ra hoặc vào cửa hàng. Một kiểu bố trí quen thuộc trong các cửa hàng kín đáo. Một kiểu thông báo cho khách hàng biết rằng khi tiếng chuông vang lên, người chủ đã biết về sự hiện diện của họ.

Đang loay hoay với đống hàng hóa ngổn ngang vừa nhập về, vẫn chưa nhìn ra cửa, Nhã Đồng thoáng bực mình. Rõ ràng, khi nãy, Nhã Đồng đã xoay hẳn mặt “Đóng cửa” của tấm bảng nhỏ xíu treo ngay trước cửa kính lại rồi. Chẳng lẽ, ai đó không thấy, hay không đọc được chữ? Ai lại muốn vào mua sắm tại một nơi hàng hóa đang bừa bộn như thế này cơ chứ? Ngừng suy nghĩ, Nhã Đồng xoay hẳn về phía cửa – nơi vừa phát ra tiếng chuông gió quen thuộc kia.

– Chị có cần tuyển thêm người không?

Miên Tú xuất hiện cùng điệu bộ lém lỉnh, nụ cười tươi, khóe môi trái hơi cong lên, lộ ra hàm răng trắng và đều – như mọi khi. Lâu rồi, Nhã Đồng không nhìn thấy nụ cười ấy – nụ cười mà ngay thời khắc đầu tiên bắt gặp, Nhã Đồng đã lầm tưởng Miên Tú là cô diễn viên nổi tiếng mình vừa xem trên ti vi tối hôm nọ. Mỗi lần Nhã Đồng nhắc lại, Miên Tú đều đỏ mặt – theo một kiểu bất bình, giãy nảy, thay vì hào hứng rằng ai đó khen mình giống diễn viên, như những cô gái bình thường khác. Không, Miên Tú khác! Miên Tú chẳng thích giống ai hết, cô chỉ muốn được là mình, sống đúng cuộc đời của mình. Nên Nhã Đồng cứ nhắc hoài chuyện này thành ra Miên Tú ghét luôn cô diễn viên nọ.

Tuy sắc mặt có hơi tiều tụy, nhưng vẫn là Miên Tú xinh đẹp như mọi khi. Nhã Đồng mỉm cười, chỉ vào kiện áo quần đang khui dở dang.

– Còn đứng đó làm gì?

*

Trần Kha đang đứng trong quầy pha chế, vẫn bộ ấm trà bằng ngọc quen thuộc. Mỗi tuần, đều đặn, từ khi Miên Tú rời đi trong im lặng, Trần Kha thường pha một ấm trà, ngồi tại góc quán quen thuộc của mình. Không phải chỉ mỗi Miên Tú có cảm giác đặc biệt với chiếc bàn này, mà khá nhiều khách cũng để ý đến nó. Một góc nhỏ, đặt một bộ trường kỷ dạng đơn lẻ, sáng màu, khác hẳn so với những bộ bàn ghế bằng gỗ, tối màu còn lại trong quán. Và, một kệ sách màu đen, được thiết kế ở một vị trí thuận tiện nhất, sát vách tường, để người ngồi chỉ cần với tay là có thể lấy quyển sách mình cần đọc.

Miên Tú chọn góc ngồi này, có lẽ vì khi bước vào quán, nó nổi bật nhất, nhưng cảm giác cũng lẻ loi, đơn độc nhất. Suy nghĩ có phần lãng mạn của Miên Tú từng bị Tử Du cười nhạo khi Tử Du biết rõ Trần Kha – người thiết kế cái góc này, chẳng nghĩ sâu xa đến thế.

Trần Kha hớp ngụm trà cuối cùng trong chiếc ly nhỏ xíu cuối cùng. Một cô gái xuất hiện và tiến đến gần nhưng Trần Kha không mảy may quan tâm. Trần Kha là vậy, mặc dù, bản thân hứng thú với phụ nữ, nhưng không có nghĩa, Trần Kha quan tâm đến tất cả những người phụ nữ xuất hiện quanh cô. Với nhan sắc, công việc và địa vị hiện tại, có nhiều cô gái để ý

đến Trần Kha cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng không phải vì có nhiều người theo đuổi, Trần Kha lại hời hợt trong những mối quan hệ của mình. Trần Kha luôn bọc đời mình bằng một vẻ ngoài lạnh lùng, nhưng sâu thẳm bên trong lại là một trái tim ấm áp và nhân hậu. Chẳng có trái tim ấm áp nào có thể chứa vội những con người đến và đi vội vã cả! Trái tim ấm áp muốn giữ họ lại, truyền cho họ hơi ấm của tình yêu thương chân thành!

Cô gái nọ tiến đến gần, thả giỏ xách xuống, ngồi hẳn vào chiếc ghế đối diện Trần Kha.

 

– Em ngồi cùng, được không?

Đọc thêm nhiều truyện ngôn tình hay và đọc chương I của không thể chạm vào em  tại http://truyenngontinh.vn/khong-the-cham-vao-em/

No votes yet.
Please wait...