Vừa qua, diễn đàn văn học mạng khá xôn xao về tiểu thuyết đầu tay Không thể chạm vào em của nhóm tác giả 4.0. Sự đón nhận của đông đảo độc giả đối với tác phẩm này, có thể coi là những khích lệ đáng mừng cho hoạt động sáng tác văn học mạng hiện nay. Tuy nhiên, một thực tế là đã có những ý kiến hoài nghi về giá trị thật sự của tác phẩm. Trong đó nổi bật lên một số ý kiến cho rằng, Nhóm 4.0 thật hoang tưởng khi ca ngợi thứ tình yêu thuần khiết viển vông, yêu mà không có sex. Lại cũng có ý kiến cho rằng đã có sự nhập nhằng giữa hai khái niệm “tình yêu thuần khiết” và “dung tục”, rằng đó đơn giản chỉ là một “chiêu trò” để dẫn dụ độc giả với những câu chữ phô bày tính dục một cách thô kệch và lộ liễu. Tất nhiên, có thể coi đó là một trong rất nhiều cách để “đọc” tác phẩm. Nhưng đó, hẳn đã là một cách cảm nhận văn chương đúng nghĩa?
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, chúng tôi tin, như cách tác giả Nhóm 4.0 đã cố gắng thể hiện trong tác phẩm: vẫn tồn tại trên đời một tình yêu thuần khiết, không sex.
Một trong hai nhân vật chính của Không thể chạm vào em là người vô tính. “Vô tính” hoàn toàn khác với vô tình. Người vô tính – asexual, là người không bị hấp dẫn bởi sex, thậm chí không có khoái cảm sex, nhưng luôn có nhu cầu yêu thương. Họ vẫn khát khao về một tình yêu đẹp, vẫn mong muốn được sẻ chia, cho và nhận những cảm xúc thiêng liêng nhất của trái tim. Nhóm người asexual tuy không nhiều, nhưng họ vẫn tồn tại. Và khi dù chỉ còn một người vô tính, thì chúng ta cũng không có quyền phủ nhận hay hoài nghi chuyện có những con người không có nhu cầu sex. Nếu sex vốn là một bản năng của mọi giống loài, không chỉ con người, thì không-sex cũng là một dạng bản năng của những đối tượng được sinh ra mà không mang nhu cầu đó. Vậy nên có cá thể ưa dục vọng, song cũng có cá thể không ham muốn chuyện quan hệ thể xác. Chỉ cần nghĩ rằng, mọi thứ trên đời này không phải tự nhiên xuất hiện, tất cả được tạo ra đều theo một dụng ý nhiệm màu nào đó, chúng ta sẽ không mất thời gian tranh cãi về điều đó!
Tình yêu của Trần Kha và Miên Tú là một tình yêu thuần khiết – trong trẻo như pha lê, thuần khiết như tự nhiên, không toan tính, không sắc dục. Nói điều này nghe có vẻ mâu thuẫn. Bởi rõ ràng trong tác phẩm có không ít phân cảnh “ngập ngụa” nhục dục. Sự ngờ vực độc giả đặt ra cho họ là dễ hiểu. Bởi lằn ranh với văn chương giải trí “rẻ tiền”, đôi khi rất mong manh! Nhưng, ca ngợi “tình yêu thuần khiết” không có nghĩa là không được phép đề cập đến tình dục trong tác phẩm. Đừng nhầm lẫn giữa hai điều đó! Mấu chốt không nằm ở chỗ tác phẩm có tả cảnh sex hay không, mà là, mục đích của tác giả ẩn phía sau lớp vỏ ngôn từ. Vậy nên, Không thể chạm vào em có dùng “chiêu trò” để dẫn dụ độc giả hay không, đáp án nằm ở chỗ, bạn hiểu sao về động cơ của nhóm tác giả.
Bạn hẳn vẫn còn nhớ mối tình giữa người đàn ông bị xã hội ruồng bỏ – Chí Phèo, với người đàn bà không chỉ xấu xí ma chê quỷ hờn mà còn dở hơi, tồ tệch – Thị Nở? Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao “bát cháo hành Thị Nở” lại là hình tượng có sức sống như thế trong cả văn chương lẫn đời thực? Đó là bởi bạn đã hiểu và tiếp nhận được thông điệp mà Nam Cao gửi gắm – con người, dù như thế nào, địa vị ra sao, có được xã hội thừa nhận hay không thì họ cũng có cảm xúc, cũng biết rung động trước sự quan tâm thuần hậu, cũng có khao khát được yêu thương. Để đọc ra những ý nghĩa hàm ẩn ở “phần chìm” của ngôn ngữ như thế, người đọc phải dùng cả khối óc và trái tim để cảm nhận. Vậy với Không thể chạm vào em, bạn có chắc mình đã thật sự mở lòng ra để đón nhận!
Trần Kha mê mẩn trước tấm thân ngọc ngà của Miên Tú. Bởi Trần Kha đâu phải là thánh nhân. Cô là một con người bình thường với những xúc cảm, và nhu cầu rất bản năng. Khác chăng, là Trần Kha có rung cảm với nữ giới. Ở đây, chúng tôi không bàn đến câu chuyện về tình yêu đồng giới hay dị giới. Điều chúng tôi muốn khẳng định là, Trần Kha cũng yêu Miên Tú, theo cách mà một người yêu một người, với sự khát khao giao hòa trọn vẹn cả về thể xác và tinh thần.
Trong truyện có đoạn tả cảnh Trần Kha tự thỏa mãn dục vọng, theo tôi, là một cảnh gây ra không ít ác cảm của người đọc dành cho nhân vật này. Thật tình, nếu như không biết rằng Miên Tú sợ sex, có lẽ chính bản thân tôi cũng không chấp nhận được một Trần Kha “bệnh hoạn”, vẻ ngoài thì đạo mạo, chỉn chu mà nội tâm lại dung tục, tầm thường! Sự bàng hoàng, nỗi đau buốt xé tâm can của Miên Tú khi chứng kiến người yêu tự thỏa mãn là có thật. Chính điều đó khiến người đọc thương cảm cô hơn. Suy cho cùng, đó chỉ là một “giọt nước tràn ly”, một cái cớ để Miên Tú càng thêm quyết tâm rời xa Trần Kha, nhưng không phải do ghê tởm, do kinh hãi cái phần “con” trong người cô yêu. Nếu như trước đây, cô chạy trốn khỏi Hoàng Phong bởi không chịu nổi cuộc sống như địa ngục, bị giày vò thân xác trong ê chề, tủi nhục; thì lúc này, cô rời bỏ, một phần bởi mặc cảm Trần Kha đã vì mình mà hy sinh quá nhiều, thiệt thòi quá nhiều, vì mình mà khuyết thiếu một tình yêu trọn vẹn – trọn vẹn theo ý hiểu của cô là cả về tinh thần và thể xác. Trần Kha có những khao khát yêu thương, khao khát quyện hòa thể xác – đó là tính dục tồn tại cố hữu trong con người. Nhưng Miên Tú vẫn luôn căng thẳng, luôn gồng mình sợ hãi mỗi khi hai người gần gũi, điều đó Trần Kha tinh tế cảm nhận được. Yêu thương nên muốn nâng niu, bảo vệ người yêu khỏi những trạng thái tinh thần tiêu cực, nhưng cũng vì yêu thương nên càng thêm khát khao được giao cảm; bản năng bị trói buộc, kìm hãm cũng có lúc muốn được giải tỏa, nên Trần Kha thủ dâm, nếu xét kỹ, lại là một hành động xuất phát từ tình yêu dành cho Miên Tú. Sự tự thỏa mãn, trong trường hợp này, đáng được cảm thông nhiều hơn là trách giận. Và rồi Trần Kha, cho đến cuối truyện, đã né tránh rồi dần dần gạt bỏ mọi ham muốn, gạt bỏ tất cả những khát khao sắc dục để yêu Miên Tú theo cách phù hợp với con người asexual của cô – “trọn vẹn ở tâm hồn, là đủ”. Điều đó, không phải ai cũng dễ dàng làm được, nếu không có bản lĩnh, không biết hy sinh và nếu tình yêu không đủ sâu sắc. Yêu như thế, sao không thể coi là thuần khiết!
Miên Tú yêu Trần Kha, muốn dâng hiến cho Trần Kha cả tâm hồn lẫn thể xác. Hình ảnh Miên Tú cố gắng hòa nhập cùng Trần Kha, rồi lại vô thức kháng cự giúp bạn đọc hiểu được sự giằng xé nội tâm và nỗi đau của người con gái muốn gần gũi với người mình yêu mà sâu thẳm trong cơ thể cô lại hãi hùng, “trốn chạy”. Cảm xúc trong cuộc yêu với Trần Kha khác những cảm giác cô từng phải trải qua trong những đêm làm vợ Hoàng Phong. Khi ấy, cô vốn dĩ không được coi như con người. Khi ấy, cô chỉ là một công cụ, một sinh vật phải thực hiện chức năng làm thỏa mãn cái phần “con” của người chồng đến với cô trong một cuộc hôn nhân không tình yêu – cuộc hôn nhân không chỉ giày vò cô mà với Hoàng Phong cũng là một bi kịch. Nhưng với Trần Kha, là tình yêu. Miên Tú đã đi qua hết nỗi hoảng sợ này đến sự kinh hoàng khác, khi dần dần khám phá ra con người thật của bản thân. Vì yêu nên cô càng đau đớn khi thấu hiểu những hy sinh của người mình yêu. Vì yêu nên càng thêm mặc cảm khi không thể đem lại cho người yêu một cuộc sống bình thường như bao cặp đôi yêu nhau khác vẫn làm cho nhau. Và vì yêu nên cố gắng gồng mình lên, vượt qua rào cản bản năng của bản thân để gần gũi người yêu… Tất cả những điều đó cũng là sự hy sinh, xuất phát từ tình yêu chân thành, sâu sắc.
Nếu không miêu tả sex, không nói về ham muốn và dục vọng thì làm sao người đọc thấu hiểu Trần Kha đã phải kìm hãm con người bản năng của mình thế nào để giữ gìn tình yêu “thiên trường địa cửu” với một Miên Tú thanh thuần? Làm sao biết được Miên Tú đã cố gắng chống lại con người vô tính của mình ra sao để mong hòa hợp với Trần Kha? Làm sao khắc họa đến tận cùng những bi kịch tinh thần của Trần Kha, Miên Tú và kể cả Hoàng Phong – nhân vật gần như đóng vai “phản diện” trong toàn bộ tác phẩm, nhân vật tưởng như có tất cả mọi thứ mà muôn người phải thèm muốn nhưng trong sâu thẳm vẫn là một tâm hồn cô đơn.
Dùng sex để nói chuyện yêu không sex, đó là một thử thách mà nhóm tác giả 4.0 đã nỗ lực để chinh phục. Hẳn sẽ có người thấy rờn rợn, ác cảm và ghê sợ trước những hình ảnh trần trụi, hoan ái trong tác phẩm. Chúng tôi không phán xét cách đọc đó. Chúng tôi chỉ chia sẻ về một cách đọc khác mà chúng tôi cho rằng, đó mới thực sự làm cảm thụ văn chương – đọc ra cái phần ý nghĩa hàm ẩn đằng sau bề mặt ngôn từ. Bởi đơn giản rằng, với Không thể chạm vào em, chính nhờ những đoạn tả sex khiến không ít người đọc phản cảm với sự “dung tục”, “rẻ tiền” ấy lại góp phần tích cực trong việc khắc họa mối tình Trần Kha – Miên Tú, một mối tình đồng tính ngọt ngào tinh khôi. Tác phẩm đem lại niềm tin về một tình yêu xóa nhòa mọi ranh giới. Tình yêu thuần khiết sẽ vượt qua mọi giới hạn, giúp chúng ta hiểu rằng, thực sự yêu sẽ biết hy sinh. Tình yêu sẽ là vĩnh cửu!