Điều khiến tôi có cảm tình với tác phẩm Anh hận anh yêu em trước hết là tên sách có tính hàm xúc và không “lạc đề” so với nội dung. Nhiều khi cuốn truyện có cái tên nghe thật kiêu, thật hoa mỹ, thật cuốn hút như đọc xong khép sách lại ta phải tự hỏi: rốt cuộc nhà xuất bản có đóng nhầm bìa này ruột kia không?
Anh hận anh yêu em – Hình Khải hận vì anh yêu Hình Dục, cả câu truyện luôn lập đi lập lại mối hận này.
Vì sao lại hận anh yêu em, mà không là hận “em”? Cái khiến Hình Khải day dứt, đau khổ, giày vò là tình yêu anh lỡ trao cho khúc củi tên Hình Dục. Có một câu chuyện nhỏ thế này: Chàng trai cõng cô gái trên lưng, nàng hỏi anh: “Em có nặng không?” Anh chàng thành thật trả lời: “Nặng lắm, cả thế giới trên vai sao mà không nặng được!” Vâng, chính vì cái nguyên lý đó mà Hình Khải không hận cô được, cho dù cô quả thật quá đáng ghét. Anh không hận cô được vì nếu hận thì chẳng khác nào phủ nhận cả thế giới mình sống.
Nếu phải chọn lựa một khoảnh khắc đẹp nhất trong câu chuyện này, tôi không chọn kết thúc, mà chọn mở đầu. Cái thời 16-17 tuổi với quá trình nổi loạn của trẻ vị thành niên, cũng là khi tình yêu non nớt vừa chớm nở, tựa một đóa hoa chưa xòe hết cánh.
Từ khi bắt đầu, Hình Khải cực ghét cô em nuôi Hình Dục. Cô 14 tuổi thì tuổi tâm lý là 41, khi lên 16 thì tuổi tâm lý cũng tăng vọt lên 61. Thật là phi thường! Cô bé Hình Dục với tuổi thơ quanh quẫn trong “ngôi làng liệt sĩ”, với gia đình vắng cha và mẹ, với tuổi thơ bị ám ảnh bởi nước mắt người mẹ mất con, người bà mất cháu, người em mất anh chị. Cô vốn gọi là An Diêu, bố là nam liệt sĩ, mẹ là nữ liệt sĩ và ngài đại tướng Hình Phục Quốc đã đem cô bé về nhà chỉ bởi câu nói: “Từ sau khi nhìn thấy thi thể bố mẹ, cháu không còn sợ thứ gì trên đời nữa!”
An Diêu không còn là An Diêu, cô trở thành Hình Dục và bắt đầu cuộc sống mới với tư cách con gái nuôi – con dâu nuôi của nhà họ Hình. Qúa khứ, những nổi đau, những mất mát,… tất cả đã hun đúc ra một Hình Dục không biết cười, không biết co giãn cơ mặt, mẫu mực và bình tĩnh như con robot sống với bản lập trình.
Hình Khải cảm thấy trong nhà có xác ướp, anh ghét người bảo mẫu khe khắt từng đồng xu anh dùng, từng người bạn anh quen, từng giờ ăn giấc ngủ,… Bổn phận của con dâu chính là nghe lệnh bố chồng, uốn nắn lại anh chồng xiên vẹo. Hình Khải ngỗ nghịch, học dốt, quậy phá và đạo đức kém. Đó là những gì bố anh cũng như người ngoài nhìn thấy. Trong đôi mắt trải đời và tinh tế của Hình Dục, anh chỉ là cậu bé to xác sống trong tòa nhà lớn lạnh lẽo, lấy cách thức tiêu cực nhằm gây chú ý với bố. Anh đơn độc giống cô, anh khát khao tình thân giống cô. Họ chẳng qua là hai mảnh đời có chung số phận.
Anh chàng Hình Khải này ban đầu rất tệ, vừa lưu manh vừa táo tợn, đem tới không ít khổ sở cho cô vợ bảo mẫu. Anh có tất cả tính nết của một cậu trai mới lớn, thích hưởng thụ, thích kiêu ngạo, thích tự mãn. Anh thay bạn gái liên tục, bởi vì trẻ con luôn thích đồ chơi mới và bởi vì có quá nhiều đồ chơi với đủ thứ màu sắc rực rỡ. Hình Khải không thích cô nhưng đàn ông có bản tính sở hữu rất cao. Nếu đã là vợ tương lai thì cô nên biết ghen, nên tỏ ra tôn thờ anh, níu kéo anh. Lòng tự trọng của một cậu trai bị tổn thương và hắn ghi thù, quyết sa đọa tới bến xem nàng có liếc nhìn hay không. Trận cá cược này, Hình Khả thua, cũng như hàng trăm trận đặt cược trước đó. Hình Dục là cây tùng vững chắc, gió bão thổi không nghiêng, sóng thần đánh không đổ!?
Tuổi trẻ bồng bộc và nhạy cảm. Hình Khải bắt đầu yêu khúc củi Hình Dục từ bao giờ? Có lẽ là khi lần đầu trông thấy nước mắt của nàng, lần đầu nhận ra trò xấu có thể thương tổn sâu sắc tới ai đó, hoặc có thể là cơn mưa phủ đầy tâm trạng của bọn họ, là chiếc giày anh chà lau mỗi ngày để nó cũ đi, để hoàn trả tội lỗi cho em gái. Khi mà tuổi đời bước qua ngưỡng cửa mới, anh bắt đầu chịu trách nhiệm cho sự nghiệp, tương lai, bắt đầu học cách tồn tại với gian khó, bắt đầu thoát cái vỏ công tử lông bông, bắt đầu con đường quân sự – chính trị lỗi lạc?
Điểm yếu chí mạng của Hình Khải là lòng kiêu hãnh. Anh kiêu hãnh nên không cúi đầu với Hình Dục, anh kiêu hãnh nên không hạ mình xin xỏ tình yêu từ cô, anh kiêu hãnh nên không tin mình không quên được cô và anh kiêu hãnh nên luôn nghĩ rằng trên đời còn lắm đàn bà tốt hơn Hình Dục.
Điểm yếu của Hình Dục là… cái gì cũng yếu =_= Hình Dục sống quá tiêu cực, thế giới của cô đầy mây đen xám xịt, không dám thử, không dám liều, không dám tin tưởng, không dám mềm lòng, không dám yếu đuối. Hèn chi Hình Khải hận vì yêu cô, ai yêu cái nàng này mà sung sướng được chứ?
Giận thì giận mà thương thì thương. Xem nhật kí sự thật của Hình Dục mới thấy cô cũng khổ không thua thì anh, mặc dù khổ là tự cô gây ra. Hiếm có nhân vật nữ chính nào làm tôi không xác định nổi tình cảm dành cho cô ấy, rốt cuộc là ghét nhiều hay thương nhiều đây???
Cuối cùng, mình rất mừng vì Hình Dục gặp nạn, đáng đời cô ta! Nhưng cũng rất buồn vì Hình Dục gặp nạn, bởi anh Khải lại khổ phen nữa. Bây giờ chỉ có cô bé Hình Dục 12 tuổi với duy nhất cái tên Hình Khải tồn tại trong đầu. Mười ba năm nấu cơm giặc giũ cho anh đổi lại cả đời anh chăm sóc và yêu thương cô. Hình Dục ngày xưa mẫu mực và cứng nhắc cỡ nào thì Hình Dục bây giờ lại càng trẻ con, nông nổi, liều lĩnh và dựa dẫm vào anh. Cuối cùng cô cũng ra dáng phụ nữ rồi, biết làm mềm chính mình để đàn ông yêu, biết nói những điều trái tim suy nghĩ… Chúc mừng cô gái điên đã hoàn lương làm người khỏe mạnh. Chúc mừng Hình Khải si tình đã chuyển mệt mỏi tâm lý về mệt mỏi cơ thể. Ít ra thân xác đau thì dễ chịu hơn tâm hồn đau!
Vậy là anh sẽ tiếp tục cuộc đời với thân trai gánh trách nhiệm với Tổ Quốc và thân chồng gánh trách nhiệm với Hình Dục.
Và thế là mỗi ngày anh sẽ được nghe nàng nói câu “em yêu anh”, nói bù mười ba năm nợ nần, tính cả phần lời phần lãi thì vừa đủ một kiếp. Phù! May quá, may là có một kiếp. Tôi chỉ chúc Hình Khải kiếp sau yêu được cô nào khá khẩm hơn, ít nhất thì thần kinh cũng bình thường hơn.